'Nông dân có thể thiệt nếu áp thuế VAT 5% với phân bón'

2024-08-14 HaiPress

Ngày 14/8,Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp phiên chuyên đề,thảo luận dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (VAT) sửa đổi. Theo dự thảo luật,phân bón,tàu khai thác thủy sản xa bờ,lưu ký chứng khoán... sẽ chịu thuế VAT 5%,thay vì không chịu thuế hiện nay.

Hiện sản xuất phân bón trong nước đáp ứng khoảng 73% nhu cầu,còn lại nhập khẩu. Việc áp thuế VAT 5% với phân bón,theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh sẽ khiến người nông dân chịu thiệt. Bởi đây là thuế gián thu,người nông dân,tiêu dùng cuối cùng phải chịu do giá bán tăng.

"Khi áp thuế VAT với phân bón sẽ giúp doanh nghiệp sản xuất cạnh tranh với hàng nhập khẩu,nhưng cũng cần bảo vệ nông dân",ông Thanh nói.

Ông Vũ Hồng Thanh,Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách phát biểu tại phiên họp ngày 14/8. Ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội

Lo ngại này cũng được đề cập tại báo cáo của Ủy ban Tài chính ngân sách. Ông Lê Quang Mạnh,Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách cho biết có ý kiến tại Thường trực Ủy ban cho rằng việc chuyển phân bón sang chịu thuế suất 5% thì nông dân chịu tác động lớn do giá bán sẽ tăng. Việc này dẫn đến tăng giá thành sản phẩm nông nghiệp,trái tinh thần khuyến khích phát triển nông nghiệp,nông dân và nông thôn theo nghị quyết 19.

Tuy vậy,quan điểm khác tại cơ quan này lại ủng hộ áp thuế VAT với mặt hàng này. Hiện phân bón là mặt hàng không chịu thuế,nên doanh nghiệp không được khấu trừ hoàn thuế đầu vào (gồm chi phí đầu tư mua sắm tài sản). Họ phải hạch toán khoản này vào chi phí,làm tăng giá thành sản xuất.

Ở khía cạnh này,ông Đậu Anh Tuấn,Phó tổng thư ký Liên đoàn Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho hay phân bón không thuộc diện chịu thuế như hiện nay "tưởng ưu đãi,nhưng là gánh nặng lớn cho doanh nghiệp,ngành hàng này trong nước". Ông Tuấn cho biết hiện chi phí sản xuất bình quân của doanh nghiệp khoảng 6-8%,tức cao hơn mức thuế suất Chính phủ tính áp dụng. Tức là,doanh nghiệp sản xuất phân bón đã có thuế VAT nhưng lại không được hoàn.

Chưa kể,hàng nhập khẩu được miễn thuế này,dẫn tới cạnh tranh không lành mạnh với sản phẩm sản xuất trong nước. Với năng lực sản xuất dư thừa mặt hàng này trên thế giới hiện nay,ông Tuấn cho rằng,cạnh tranh sẽ ngày càng khốc liệt.

Trước lo ngại giá bán phân bón sẽ tăng,ông Tuấn cho rằng năng lực sản xuất phân bón của doanh nghiệp trong nước lớn,nếu áp thuế 5% thì tác động nhất định tới giá thành sản xuất trong nước (hiện chiếm hơn 73% thị phần). Các doanh nghiệp sản xuất sẽ được hoàn thuế do thuế đầu ra và họ có dư địa giảm giá bán,chiếm lĩnh thị trường. Ngoài ra,phân bón là mặt hàng trong diện bình ổn giá,nên cơ quan quản lý có thể sử dụng biện pháp bình ổn trong trường hợp cần thiết.

"Đây là bài toán căn cơ phải tính toán để vừa tự chủ năng lực,vừa giữ được ngành sản xuất phân bón trong nước",ông nói.

Theo tính toán của Chính phủ,ngân sách có thêm 5.700 tỷ đồng,doanh nghiệp được hoàn thuế 1.500 tỷ đồng mỗi năm khi áp thuế 5% với phân bón. Tức là,ngân sách vẫn dư 4.200 tỷ đồng nếu mặt hàng này được áp thuế VAT.

Để hài hòa lợi ích giữa nhà sản xuất và nông dân,ông Nguyễn Trường Giang,Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật đề xuất nên áp thuế 0% với phân bón và doanh nghiệp được hoàn thuế. "Áp thuế 0% thì mỗi năm ngân sách chỉ hụt thu khoảng 1.500 tỷ đồng,không làm tăng giá bán và ảnh hưởng tới nông dân",ông Giang nói.

Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải yêu cầu Bộ Tài chính - cơ quan soạn thảo luật thuế này - tiếp tục rà soát,thống nhất với cơ quan thẩm tra - Ủy ban Tài chính ngân sách để hoàn thiện dự thảo luật,trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp vào tháng 10.

Anh Minh

Tuyên bố miễn trừ trách nhiệm: Bài viết này được sao chép từ các phương tiện khác. Mục đích của việc in lại là để truyền tải thêm thông tin. Điều đó không có nghĩa là trang web này đồng ý với quan điểm của nó và chịu trách nhiệm về tính xác thực của nó và không chịu bất kỳ trách nhiệm pháp lý nào. Tất cả tài nguyên trên trang web này được thu thập trên Internet. Mục đích chia sẻ chỉ dành cho việc học và tham khảo của mọi người. Nếu có vi phạm bản quyền hoặc sở hữu trí tuệ, vui lòng để lại tin nhắn cho chúng tôi.

©bản quyền 2009-2020 Thông tin Du lịch Văn hóa Việt Nam