Lừa đảo đặt phòng qua mạng gia tăng mạnh

2024-08-23 HaiPress

Hồi tháng 6,Giám đốc an ninh thông tin Marnie Wilking của Booking,nói nền tảng này đã chứng kiến số vụ lừa đảo gia tăng từ 500% lên 900% trong 18 tháng qua. Kẻ xấu sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để thực hiện các vụ lừa đảo tinh vi hơn.

Matt Aldridge,chuyên gia tư vấn giải pháp tại công ty an ninh mạng OpenText Cybersecurity,nói các vụ lừa đảo gia tăng nhanh chóng không phải điều đáng ngạc nhiên. AI mang đến nhiều lợi ích nhưng cũng gây ra rủi ro bảo mật cho cả người dùng lẫn doanh nghiệp.

Wilking nói các vụ tấn công bằng email vẫn thường xảy ra nhưng được "giúp sức" nhờ AI,khiến mọi thứ trông chân thật và có sức thuyết phục. Các nền tảng như Airbnb hay Booking thường bị nhắm vào vì tạo điều kiện cho người dùng tự đăng tải điểm cho thuê của mình.

Ảnh chụp màn hình của nền tảng đặt phòng trực tuyến. Ảnh: ABC

Katie và Rob - chủ bất động sản ở Sunshine Coast,Australia,đã bốn lần chứng kiến du khách đến nhà mình và mang theo xác nhận đặt phòng của Booking - nền tảng họ chưa từng hợp tác,trong tháng 7.

"Có người đã khóc vì quá đau khổ",Katie nói,cho biết khách mất tiền cọc và không có chỗ ngủ đêm. Dù thông cảm,họ cũng bất lực vì không có cách để hỗ trợ. Chủ bất động sản ở Sunshine Coast cho biết thông tin trên Airbnb của họ đã bị sao chép từ logo,hình ảnh và các miêu tả chỗ ở. Một năm trước,họ từng đăng cho thuê bất động sản trên Airbnb nhưng đã gỡ.

Choice,Hiệp hội Tiêu dùng Australia,chỉ ra trường hợp như Katie và Rob gặp phải là chiêu phổ biến của kẻ lừa đảo trên Booking lẫn Airbnb. Giáo sư Cassandra Cross ở Đại học Queensland nói lừa đảo liên quan đến chỗ ở thường thành công vì việc đặt phòng trực tuyến ngày càng phổ biến.

"Ai cũng đặt chỗ trên các nền tảng này và buộc phải cung cấp thông tin thẻ tín dụng",Cross nói.

Năm ngoái,Ủy ban Cạnh tranh và Người tiêu dùng Australia nhận được 336 báo cáo về lừa đảo trên Booking với tổng số tiền lên tới 337.000 USD. Con số này tăng 600% so với năm 2022 - thời điểm chỉ ghi nhận 53 vụ lừa đảo.

Dù các nền tảng có thuật toán xác định lừa đảo,Cross nói rất khó để chặn kẻ gian sao chép và đẩy bán các danh sách chỗ ở ảo. Như vụ của Katie và Rob,cả hai không bán phòng trên Booking nên việc báo cáo lừa đảo càng khó hơn. Họ đã gửi email đến bộ phận truyền thông,gọi dịch vụ khách hàng tới 6 lần nhưng mỗi lần lại nói chuyện với một người khác.

Tới giờ,họ vẫn chưa biết chỗ ở của mình đã bị sao chép và đăng tải khi nào. Katie và Rob phải kiểm tra các nền tảng mỗi tuần để đảm bảo chỗ ở của họ không còn bị kẻ gian lợi dụng.

Theo Tiến sĩ Cross,kẻ lừa đảo hiểu người dùng sẽ gặp khó khi tiếp cận các nền tảng và lợi dụng điều này để trục lợi. Chúng có thể lập các danh sách phòng giả và chấp nhận bị xóa đi nhưng vẫn sẽ có người thấy và đặt phòng.

Người phát ngôn của Booking bày tỏ sự thông cảm cho các nạn nhân và khẳng định an toàn,bảo mật là ưu tiên hàng đầu với họ.

"Mỗi tuần,chúng tôi phục vụ hàng triệu lượt lưu trú và hầu như không có vấn đề",người này nói,cho biết thêm Booking liên tục tối ưu hóa các biện pháp bảo mật,đồng thời "luôn đề cao việc xác minh chỗ nghỉ". Khi có vấn đề xảy ra,họ sẽ lập tức điều tra và xóa các danh sách lừa đảo khỏi website.

Theo Alex Soderlund,cố vấn chính sách của Choice,các nền tảng cần phải hành động nhiều hơn để bảo vệ người dùng,thay vì để những kẻ lừa đảo lợi dụng để đánh cắp tiền. Với Kate và Rob,cả hai muốn các nền tảng phải chịu trách nhiệm khi vô tình tiếp tay cho những kẻ lừa đảo.

Hoài Anh (Theo Travel Weekly,ABC)

Tuyên bố miễn trừ trách nhiệm: Bài viết này được sao chép từ các phương tiện khác. Mục đích của việc in lại là để truyền tải thêm thông tin. Điều đó không có nghĩa là trang web này đồng ý với quan điểm của nó và chịu trách nhiệm về tính xác thực của nó và không chịu bất kỳ trách nhiệm pháp lý nào. Tất cả tài nguyên trên trang web này được thu thập trên Internet. Mục đích chia sẻ chỉ dành cho việc học và tham khảo của mọi người. Nếu có vi phạm bản quyền hoặc sở hữu trí tuệ, vui lòng để lại tin nhắn cho chúng tôi.

©bản quyền 2009-2020 Thông tin Du lịch Văn hóa Việt Nam