Bác sĩ Romania bị bắt vì nhận 1.000 USD hối lộ của bệnh nhân

2024-08-29 HaiPress

Cơ quan chức năng đã thực hiện 9 cuộc khám xét tại nơi làm việc và nơi ở của các nghi phạm,tạm giữ một bác sĩ từ Khoa Phẫu thuật Ung thư,hôm 28/8. Người này bị bắt quả tang đang cầm 1.000 USD hối lộ. Cảnh sát cáo buộc bác sĩ nhận tiền từ một bệnh nhân để mua thuốc và các sản phẩm y tế khác nhau cho ca phẫu thuật sắp tới.

Ngoài ra,4 bác sĩ khác cũng được thẩm vấn tại Văn phòng Công tố viên trực thuộc Tòa án Timis. Tất cả đều bị điều tra vì cáo buộc nhận hối lộ hơn 40 lần,kể từ tháng 4 năm nay. Bệnh nhân đã đưa cho họ tiền mặt,mật ong hoặc các lọ gia vị. Tuy nhiên,các nguồn tin cho biết không ai trong số 5 nhân viên y tế chủ động vòi vĩnh tiền - quà để điều trị cho bệnh nhân.

Cũng tại Khoa Phẫu thuật Tổng quát Ung thư,vào năm 2022,cơ quan chức năng đã bắt giữ bác sĩ Octavian Mazilu vì tội nhận hối lộ. Khi ấy,ông là trưởng khoa,trước đây từng là giám đốc Bệnh viện Thành phố Timisoara. Năm 2023,Mazilu bị Tòa án Timis sơ thẩm kết án 3 năm tù treo và 70 ngày phục vụ cộng đồng.

Năm 2016,một bác sĩ từ Nhà hưu trí Caras-Severin đã "lập kỷ lục" vì nhận hối lộ 10 phút một lần,theo báo cáo của Digi24. Người này kiếm được khoảng 1.100 USD mỗi ngày từ các bệnh nhân muốn làm giấy xin nghỉ hưu vì mắc bệnh. Mức lương trung bình ở Romania là 489 USD mỗi tháng. Các điều tra viên đã tìm thấy hơn 100.000 USD tiền mặt và cuốn séc trị giá 200.000 USD khi khám xét nhà bác sĩ này. Ông bị kết án vì 291 tội danh tham nhũng.

Minh họa một bác sĩ nhận tiền hối lộ của bệnh nhân. Ảnh: Romania Insider

Theo dữ liệu của Cơ quan Thăm dò chính thức thuộc Ủy ban châu Âu,Romania là một trong những quốc gia có tình trạng đưa và nhận hối lộ trong ngành y tế cao nhất. Đây cũng là nước có tuổi thọ trung bình thấp nhất toàn lục địa. Theo các chuyên gia,bệnh nhân thường bị vòi tiền để đổi lấy các dịch vụ y tế đáng lẽ họ được nhận miễn phí.

Tờ Frontier cũng phân tích tình trạng này. Lý do đầu tiên khiến người bệnh có thói quen đưa hối lộ cho bác sĩ là mong muốn được chăm sóc tận tình hơn,hoặc ít nhất là không bị từ chối chữa bệnh. Tiếp đến,họ muốn bày tỏ lòng biết ơn đối với bác sĩ theo quan niệm Hồi giáo.

Theo cuộc khảo sát của Eurostat do Ủy ban châu Âu công bố,cứ 5 bệnh nhân thì một người thừa nhận từng tặng tiền mặt hoặc quà đắt tiền cho bác sĩ khi họ cần khám chữa bệnh tại một cơ sở y tế công lập. Trong phòng chờ,thậm chí trước bệnh viện,bệnh nhân và người nhà tiếp tục trao đổi thông tin về số tiền họ phải chi ra để được chăm sóc tận tình. 18% người Romania thừa nhận từng gửi phong bì đến phòng khám hoặc nhét trực tiếp vào túi bác sĩ.

Các quốc gia khác đứng đầu châu Âu về tình trạng tham nhũng trong bệnh viện là Hy Lạp. Giới chuyên gia nhận định hệ thống y tế ít được cải cách và hiện đại hóa,số bệnh viện công còn ít,tình trạng thiếu bác sĩ và y tá tạo điều kiện cho các hành vi hối lộ. Điều này dần trở thành thói quen,"luật ngầm" đối với cả bác sĩ và bệnh nhân.

Ở Romania,tình trạng hối lộ còn tỷ lệ thuận với nghèo đói. Quận thu nhập càng thấp,hành vi hối lộ càng phổ biến. Dựa trên các cuộc khảo sát,graphs.ro đã tạo ra "bản đồ hối lộ" ở các bệnh viện nước này. Kết quả,tại quận Teleorman,nơi có mức nghèo đói cao,tới 5,2% người trả lời bảng hỏi cho biết họ từng bị bác sĩ hoặc nhân viên y tế vòi vĩnh trả thêm tiền. Trong những năm gần đây,một số bác sĩ nhận quà đắt đỏ bên cạnh tiền mặt để điều trị cho bệnh nhân. Nhiều trường hợp đã bị truy tố.

Thục Linh (Theo Guardian,BMJ,Spot Media,Europa)

Tuyên bố miễn trừ trách nhiệm: Bài viết này được sao chép từ các phương tiện khác. Mục đích của việc in lại là để truyền tải thêm thông tin. Điều đó không có nghĩa là trang web này đồng ý với quan điểm của nó và chịu trách nhiệm về tính xác thực của nó và không chịu bất kỳ trách nhiệm pháp lý nào. Tất cả tài nguyên trên trang web này được thu thập trên Internet. Mục đích chia sẻ chỉ dành cho việc học và tham khảo của mọi người. Nếu có vi phạm bản quyền hoặc sở hữu trí tuệ, vui lòng để lại tin nhắn cho chúng tôi.

©bản quyền 2009-2020 Thông tin Du lịch Văn hóa Việt Nam