'Tại sao các quốc gia thất bại' - thể chế xã hội và sự thịnh vượng

2024-10-23 HaiPress

Ngày 14/10,Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển công bố giải Nobel Kinh tế thuộc về ba giáo sư Daron Acemoglu,Simon Johnson và James Robinson. Họ được công nhận nhờ nghiên cứu vai trò các thể chế trong việc quyết định sự thịnh vượng của quốc gia,lý giải tình trạng chênh lệch giàu nghèo. Đây cũng là nội dung trong quyển Tại sao các quốc gia thất bại (tên tiếng Anh: Why Nations Fail: The Origins of Power,Prosperity,and Poverty,xuất bản lần đầu năm 2012) - công trình học thuật dài 15 năm của Acemoglu và Robinson.

"Rút ngắn khoảng cách giàu nghèo giữa các quốc gia là một trong những thách thức lớn nhất của thời đại chúng ta,và những người đoạt giải đã chứng minh tầm quan trọng của các thể chế xã hội đối với mục tiêu này",Jakob Svensson - chủ tịch Ủy ban Nobel Kinh tế - nói trong buổi trao giải.

Bìa sách "Tại sao các quốc gia thất bại" (tên tiếng Anh: Why Nations Fail: The Origins of Power,and Poverty) do NXB Trẻ ấn hành 2017,tái bản nhiều lần. Ảnh: NXB Trẻ

Trong Tại sao các quốc gia thất bại,các tác giả điểm lại những lý thuyết không thể áp dụng để phân tích sự bất bình đẳng kinh tế. Chẳng hạn như Thuyết địa lý cho rằng vị trí lãnh thổ giữ vai trò quyết định sự giàu nghèo của quốc gia; Thuyết văn hóa chỉ ra các yếu tố tôn giáo,đặc tính dân tộc,giá trị đạo đức xã hội tác động nền tài chính. Hoặc Thuyết vô minh giải thích một cộng đồng nghèo đói bởi những nhà lãnh đạo không biết cách phát triển đất nước.

Acemoglu và Robinson nhận định các yếu tố kể trên không đủ cơ sở để lý giải tiềm lực kinh tế quốc gia. Thay vào đó,họ tập trung nghiên cứu các thể chế xã hội,cơ cấu tổ chức để có thể tìm ra một quy luật phổ quát ảnh hưởng đến sự thịnh vượng.

Theo lập luận của nhóm tác giả,tất cả thể chế,bất kể thuộc khu vực nào hay thời đại nào,đều có thể chia làm hai loại: Dung hợp và loại trừ. Trong khi thể chế dung hợp (inclusive institution) tạo điều kiện cho tất cả công dân hoạt động kinh tế,khuyến khích sự đổi mới và đảm bảo quyền sở hữu tài sản,thì thể chế loại trừ (exclusive institution) tập trung duy trì quyền lực của giới cầm quyền khiến sự phát triển thiếu bền vững.

"Để thành công về kinh tế,xã hội cần phải tạo ra được một tập hợp các thể chế kinh tế có thể thúc đẩy tài năng,kỹ năng,sự sáng tạo và năng lượng của người dân,và những năng lực này được phân phối một cách rộng rãi trong toàn xã hội,nhờ đó tạo thành một đặc tính quan trọng - tính dung hợp - của tập hợp thể chế kinh tế có khả năng tạo ra sự thịnh vượng",theo lời tựa cho bản dịch tiếng Việt của sách.

Để chứng minh quan điểm,Acemoglu và Robinson đưa ra những dẫn chứng của các quốc gia. Chẳng hạn,họ lý giải sự tăng trưởng vượt bậc của Hàn Quốc nhờ chuyển từ thể chế loại trừ sang dung hợp sau chiến tranh Triều Tiên. Ngược lại,những đất nước giàu tài nguyên như Venezuela chìm vào khủng hoảng do vẫn giữ mô hình duy quyền,dẫn đến sự bất ổn và suy thoái kinh tế. Nhóm nghiên cứu cũng đề cập đến sự tăng trưởng và suy tàn của các đế chế cổ như La Mã,Maya,Venice trong giai đoạn có và thiếu trật tự xã hội.

Bìa sách "Why Nations Fail: The Origins of Power,and Poverty". Ảnh: Amazon

Theo NPR,thời điểm viết sách,hai tác giả mô tả nước Mỹ như mô hình thể chế thành công. Họ thừa nhận quốc gia này có nhiều mặt tối trong quá khứ như chế độ nô lệ,diệt chủng người da đỏ và nội chiến,nhưng ở thời hiện đại,người dân có nhiều quyền tự do,được thực hiện các ý tưởng kinh doanh mới và có nhiều phong trào thúc đẩy bình đẳng. Tuy nhiên,trong cuộc phỏng vấn với NPR ngày 15/10,giáo sư Acemoglu cho rằng so với hơn 10 năm trước,nước Mỹ hiện trong giai đoạn nguy hiểm khi các thể chế đang tan rã,gặp khó khăn trong việc giải quyết bất ổn kinh tế.

Sau khi phát hành,Tại sao các quốc gia thất bại nhận nhiều lời khen từ các chuyên gia kinh tế. Tờ New York Times mô tả tác phẩm như một "hướng dẫn quý giá để hiểu về sự phát triển kinh tế trong thế kỷ 21",Guardian nhận xét đây là quyển sách "nhất định phải đọc". Tỷ phú Bill Gates đánh giá cao các ý tưởng nghiên cứu nhưng không đồng tình một số quan điểm. Một trong số đó là cách các tác giả giải thích sự suy tàn các nền văn minh cổ. Ông Bill Gates cũng cho rằng sách dễ đọc,có nhiều câu chuyện lịch sử thú vị song phần phân tích "mơ hồ và đơn giản".

Tác giả Daron Acemoglu và Simon Johnson hiện đều làm việc tại Học viện Công nghệ Massachusetts (MIT). Còn ông Robinson công tác tại Đại học Chicago (Mỹ). Cả ba đều là tác giả nhiều cuốn sách nổi tiếng về kinh tế học.

Daron Acemoglu năm nay 57 tuổi,nổi tiếng nhất với các nghiên cứu về kinh tế chính trị. Simon Johnson (61 tuổi) từng là kinh tế trưởng tại Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). James A. Robinson (64 tuổi) là nhà nghiên cứu lâu năm về sự phát triển kinh tế - chính trị tại các nước Mỹ Latin và châu Phi cận Sahara.

Kinh tế là giải thưởng cuối cùng được trao mỗi mùa Nobel hàng năm,sau giải dành cho lĩnh vực y học,vật lý,hóa học,văn học và hòa bình. Nobel cho lĩnh vực này không thuộc cơ cấu giải thưởng ban đầu trong di chúc của nhà khoa học Thụy Điển - Alfred Nobel. Giải này được bổ sung năm 1968,nhân kỷ niệm 300 năm thành lập Ngân hàng Trung ương Thụy Điển - Sveriges Riksbank,cũng là đơn vị đóng góp quỹ cho giải thưởng này.

Ngạn Bình

Tuyên bố miễn trừ trách nhiệm: Bài viết này được sao chép từ các phương tiện khác. Mục đích của việc in lại là để truyền tải thêm thông tin. Điều đó không có nghĩa là trang web này đồng ý với quan điểm của nó và chịu trách nhiệm về tính xác thực của nó và không chịu bất kỳ trách nhiệm pháp lý nào. Tất cả tài nguyên trên trang web này được thu thập trên Internet. Mục đích chia sẻ chỉ dành cho việc học và tham khảo của mọi người. Nếu có vi phạm bản quyền hoặc sở hữu trí tuệ, vui lòng để lại tin nhắn cho chúng tôi.

©bản quyền 2009-2020 Thông tin Du lịch Văn hóa Việt Nam